Đầu tư vào các khu công nghiệp tại TP.HCM tăng gấp hơn 2 lần
Tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh vào các khu công nghiệp tại TP.HCM quý 1 vừa qua đạt 191,93 triệu USD, tăng 112,12% so với cùng kỳ năm ngoái…
Ban quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh quý 1 vừa qua đạt 191,93 triệu USD, đạt 34,90% kế hoạch năm, tăng 112,12% so với cùng kỳ năm ngoái (90,48 triệu USD); Diện tích đất cho thuê đạt 0,81ha; diện tích nhà xưởng cho thuê đạt 6.634m2.
Trong đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài thu hút đạt 176,7 triệu USD, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái (49,14 triệu USD); thu hút đầu tư trong nước đạt 352,42 tỷ đồng (tương đương 15,23 triệu USD), giảm 63,15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Ban quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM, 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp hoạt động ổn định, nhiều doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn nay có đơn hàng trở lại.
Kim ngạch xuất khẩu quý 1 vừa qua của khu chế xuất, khu công nghiệp ước đạt 2,17 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái; lao động làm việc khoảng 277.000 người, tăng 10% so với cuối năm ngoái.
Để thu hút đầu tư, Ban quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố cũng đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hội thảo, hội nghị phổ biến Luật Đất đai năm 2024, những quy định về hỗ trợ lãi suất; triển khai chương trình tín dụng xanh cho doanh nghiệp; chương trình CafeTech với chủ đề Định hướng phát triển Khu chế xuất Tân Thuận và vai trò của quản lý năng lượng trong việc chuyển đổi ESG.
Bên cạnh đó, Ban quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính như giảm thời gian giải quyết, thực hiện tiếp nhận và giải quyết trong một ngày làm việc đối với một số thủ tục hành chính; đề xuất UBND thành phố các thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến; đề xuất phân cấp cho ban quản lý thẩm định và phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Ban quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM cũng kiến nghị áp dụng Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM để chuyển thẩm quyền theo dõi, quản lý trong lĩnh vực người lao động nước ngoài thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố về Ban quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố.
Thời gian tới, để thu hút đầu tư mạnh mẽ vào các khu chế xuất, khu công nghiệp, Ban quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM sẽ tập trung thực hiện đề án Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM giai đoạn 2023 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; dự án Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu tại Khu công nghiệp Hiệp Phước; tập trung triển khai lập Đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và II.
Đồng thời, đơn vị tham mưu UBND TP.HCM ban hành Quy chế thu và sử dụng tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng các Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP.HCM trên cơ sở Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3/2024 uớc tính tăng 27,1% so với tháng trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 28%; sản xuất và phân phối điện tăng 28,2%; cung cấp nước và xử lý nước thải tăng 4,6%.
Tính chung quý 1/2024, chỉ số IIP của TP.HCM ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ. Riêng 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 6,6%.
Các bài viết khác
- PMI vượt trên 50 điểm, ngành sản xuất Việt Nam tăng trưởng trở lại
- Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, ngành chế biến, chế tạo dẫn dắt tăng trưởng
- Đầu tư vào các khu công nghiệp tại TP.HCM tăng gấp hơn 2 lần
- Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực nhờ nỗ lực tìm kiếm đơn hàng của doanh nghiệp